Tin Tức Hội Thảo

[RECAP] HỘI THẢO: CẬP NHẬT NHỮNG ĐIỂM QUAN TRỌNG TRONG LUẬT BHXH 2024

[RECAP] HỘI THẢO: CẬP NHẬT NHỮNG ĐIỂM QUAN TRỌNG TRONG LUẬT BHXH 2024

25/07/2025

750 người xem

Ngày 1/7/2024, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chính thức có hiệu lực, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình cải cách hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam. Nhằm giải đáp những thay đổi lớn trong luật mới và tháo gỡ băn khoăn của doanh nghiệp cũng như người lao động, HRC Academy đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Cập nhật những điểm quan trọng trong Luật BHXH 2024”. Tại đây, các chuyên gia đã phân tích sâu những điều chỉnh cốt lõi, cho thấy nỗ lực đồng thời của Nhà nước trong việc siết chặt kỷ cương đóng - hưởng BHXH, song hành cùng chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động.

Từ thực tế phát sinh đến yêu cầu cải cách

Sau gần 10 năm thực hiện, Luật BHXH năm 2014 dần bộc lộ những bất cập, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều thay đổi sâu sắc. Hình thái làm việc truyền thống với hợp đồng toàn thời gian, cố định địa điểm, đang dần nhường chỗ cho những dạng quan hệ lao động mới. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 càng khiến xu hướng làm việc linh hoạt – như làm từ xa hoặc theo dự án – trở nên phổ biến và phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chính vì luật cũ chưa bao quát hết các hình thức lao động hiện đại, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng kẽ hở để né tránh trách nhiệm đóng BHXH. Trong khi đó, không ít người lao động, đặc biệt là nhóm phi chính thức, bị bỏ lại bên lề hệ thống an sinh do không hội đủ điều kiện về thời gian và hình thức tham gia.

Luật BHXH 2024 ra đời trong bối cảnh đó, mang theo nhiều điều chỉnh sâu rộng, vừa mở rộng đối tượng bao phủ, vừa khép lại các lỗ hổng quản lý, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động – đặc biệt là nhóm yếu thế.

Siết chặt nghĩa vụ, nhưng hông đánh đồng hình thức

Một điểm tiến bộ của Luật BHXH 2024 là cách tiếp cận thực chất hơn trong việc xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Thay vì xét đơn thuần trên tên gọi hợp đồng, luật mới đặt trọng tâm vào bản chất quan hệ lao động – cụ thể là việc có chi trả tiền công và sự giám sát, điều hành từ phía người sử dụng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc, dù ký hợp đồng cộng tác viên, thuê khoán hay bất kỳ tên gọi nào khác, nếu người lao động làm việc có sự chỉ đạo, chấm công, kiểm soát thì đều phải tham gia BHXH bắt buộc.

Thêm vào đó, luật cũng bổ sung những nhóm đối tượng mới như chủ hộ kinh doanh kê khai thuế, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, người làm việc không trọn thời gian, hay lao động nước ngoài có hợp đồng từ 12 tháng trở lên. Đáng chú ý, quy định yêu cầu “phải có giấy phép lao động” đã được bãi bỏ nhằm tạo điều kiện cho những đối tượng đặc thù – như người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam – có thể tham gia hệ thống BHXH một cách hợp pháp và thuận lợi.

Tuy nhiên, luật không đơn thuần mở rộng nghĩa vụ mà còn tăng cường cơ chế giám sát, xử lý vi phạm. Thay vì sử dụng khái niệm “nợ” như trước đây, Luật 2024 tách biệt rõ hành vi “chậm đóng” và “trốn đóng”. Việc cố tình khai báo thiếu lao động, kê khai sai mức lương hay trì hoãn nghĩa vụ sau thời hạn được gia hạn (lên tới 60 ngày) sẽ bị coi là hành vi vi phạm và bị xử phạt theo quy định – có thể lên đến mức xử lý hình sự trong các trường hợp nghiêm trọng. Đặc biệt, cơ quan BHXH sẽ sử dụng dữ liệu thuế để đối chiếu, phát hiện tình trạng doanh nghiệp trả lương nhưng không đóng BHXH – một bước đi quan trọng trong quản trị minh bạch và liên thông giữa các hệ thống quản lý nhà nước.

Linh hoạt hơn với người lao động

Nếu phần “thu” được siết chặt, thì phần “hưởng” lại được thiết kế với tinh thần linh hoạt, phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của người lao động hiện nay. Một trong những cải tiến đáng kể là việc giảm số năm tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm. Đây là giải pháp mở đường cho hàng triệu lao động tự do, thời vụ – những người chưa từng có cơ hội tiếp cận lương hưu – có thể bước vào hệ thống an sinh một cách bền vững. Tuy nhiên, điều kiện về độ tuổi nghỉ hưu vẫn được giữ nguyên, nhằm bảo đảm sự cân đối của quỹ và tính ổn định lâu dài của chính sách.

Bên cạnh đó, các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản cũng có những điều chỉnh phù hợp hơn với xu hướng hiện đại. Phụ nữ điều trị vô sinh được mở rộng điều kiện tính thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản. Thời gian nghỉ khám thai tăng từ 1 ngày lên 2 ngày/lần, đồng thời, người lao động bị tai nạn khi đi – về trên tuyến đường hợp lý vẫn được hưởng chế độ ốm đau nếu không đủ điều kiện xác định là tai nạn lao động. Tất cả những thay đổi này đều xuất phát từ thực tế đời sống và đặt quyền lợi người lao động làm trung tâm.

Một điều chỉnh rất được hoan nghênh là việc trao lại quyền lựa chọn cho thân nhân trong chế độ tử tuất. Nếu như luật cũ bắt buộc thân nhân thuộc diện “hưởng tuất hàng tháng” không được chọn “tuất một lần”, thì nay, Luật 2024 cho phép lựa chọn tùy theo nguyện vọng – một động thái thể hiện sự tôn trọng quyền quyết định cá nhân và giảm bớt áp lực thủ tục không cần thiết.

Một điểm mới đáng chú ý khác là việc bổ sung chế độ trợ cấp thai sản (2 triệu đồng/con) cho người tham gia BHXH tự nguyện – một động thái cho thấy Nhà nước ngày càng quan tâm tới khối lao động phi chính thức. Dù mức hưởng còn khiêm tốn so với khối BHXH bắt buộc, đây là lần đầu tiên nhóm đối tượng này được tiếp cận với chính sách mang tính phúc lợi thay vì chỉ đơn thuần là hưu trí. Kèm theo đó là quyền tham gia BHYT và tai nạn lao động (nếu tự nguyện đóng thêm), giúp từng bước hình thành một hệ thống bảo vệ đa tầng, bao phủ rộng khắp.

Số hóa – từ thủ công sang hiện đại

Không dừng lại ở chính sách, Luật BHXH 2024 cũng thể hiện quyết tâm cao trong việc chuyển đổi số. Theo lộ trình, chậm nhất đến ngày 1/5/2026, toàn bộ sổ BHXH giấy sẽ được thay bằng sổ điện tử. Đến 1/1/2027, toàn bộ nghiệp vụ BHXH sẽ phải được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số. Sự thay đổi này sẽ tạo đột phá trong việc quản lý dữ liệu, giảm thiểu gian lận và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ công.

Kết luận

Có thể nói, Luật BHXH 2024 không chỉ là sự cập nhật về mặt kỹ thuật, mà là một cuộc cải cách có hệ thống, với tinh thần chủ đạo là “siết chặt quản lý – mở rộng bao phủ – tăng cường nhân văn”. Đối với doanh nghiệp, luật mới đặt ra yêu cầu cao hơn về tuân thủ và minh bạch. Đối với người lao động, luật mở ra nhiều cơ hội tiếp cận an sinh hơn – nhưng cũng đòi hỏi sự chủ động nắm bắt quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân.

Bình luận

PHIẾU ĐĂNG KÝ THAM GIA HỘI THẢO

Vui lòng để lại thông tin cá nhân để HRC Academy tư vấn miễn phí và nhận vé mời!
uploads/demo/img-form.png