13/12/2024
567 người xem
0/5 trong 0 lượt đánh giá
Bên cạnh 5 người thầy (thầy trên bục giảng, chính mình, thần tượng, bạn bè và Internet) thì phong cách học tập cũng là một yếu tố quan trọng để phát triển tri thức, tăng cường khả năng tiếp thu của bạn.
Phong cách học tập được hiểu là cách thức mà con người tiếp cận, xử lý thông tin để hỗ trợ con người trong việc học. Trên thực tế, có rất nhiều kiểu học và các trường phái tư tưởng khác nhau về chủ đề học tập. Nhưng cho đến nay, phổ biến nhất là bốn phong cách học tập được ghi nhận lại trong mô hình VARK. Các phong này này có vẻ rất quen thuộc tuy nhiên thường chúng ta không thực sự hiểu rõ về chúng. Bao gồm:
1. HỌC TẬP THÔNG QUA THỊ GIÁC (VISUAL)
Phong cách học tập này rất phù hợp với những cá nhân thích xem các video hay các phần trình bày, thuyết trình được thể hiện dưới dạng các hình ảnh, biểu đồ và đồ thị được thể hiện một cách lôi cuốn hấp dẫn. Dưới góc nhìn Giáo dục: “Bộ não con người sẽ xử lý thông tin qua thị giác nhanh hơn nhiều so với các văn bản thuần túy. Bạn có thể tiếp nhận và lưu giữ rất nhiều thông tin một cách chính xác và nhanh chóng thông qua việc quan sát vì chúng sẽ được lưu giữ sâu trong não bộ".
2. HỌC TẬP THÔNG QUA THÍNH GIÁC (AUDITORY)
Phong cách học tập này sẽ phù hợp nhất với những cá nhân thích nghe các bài giảng và sách nói. Người học cảm thấy họ sẽ dễ dàng lưu giữ thông tin hơn qua âm thanh, lời nói mà họ nghe được. Biểu hiện điển hình là nếu được xem một bộ phim, rất có thể họ sẽ nhớ những lời thoại, âm thanh trong bộ phim đó hơn là các hành động đã diễn ra.
3. HỌC TẬP THÔNG QUA VIỆC ĐỌC (READING)
Phong cách học tập thông qua việc đọc sẽ phù hợp với những người thích đọc sách, báo, tài liệu,... bằng việc lặp đi lặp lại, suy ngẫm các thông tin mà họ ghi nhận được. Họ cảm thấy rằng thông qua việc đọc các từ ngữ, đoạn văn hay thậm chí toàn bộ một chương sách sẽ dễ dàng in sâu chúng vào tâm trí họ. Bằng chứng là có những người có thể đọc hàng giờ, thậm chí cả ngày một quyển sách. Trong khi một số người thì cảm thấy rất chán nản hoặc đọc dở dang.
4. HỌC BẰNG CÁCH THỰC HÀNH (KINESTHETIC)
Phong cách học tập này sẽ phù hợp với những người thích “hành động”. Ví dụ, ở trường học, đối với các môn học cho phép học sinh, sinh viên tham gia vào các thí nghiệm hay các hoạt động có sự tương tác vật lý thường sẽ thu hút và đem lại hiệu quả giảng dạy tốt hơn. Điều này giúp việc ghi nhớ kiến thức trở nên dễ dàng và có tác động mạnh mẽ vào tâm trí người học thông qua việc trải nghiệm và đúc kết được qua các bài học kinh nghiệm.
Bạn có nhận ra rằng bạn thiên về phong cách nào trong các phong cách trên? Hãy cố gắng thử nghiệm và quan sát xem bản thân sẽ phù với với phong cách nào nhất để giúp bạn có thể tiếp thu nhanh kiến thức và giúp việc học trở nên dễ dàng hơn. Sẽ rất tuyệt vời khi tìm ra được phong cách học tập tối ưu dành cho bạn. Tuy nhiên thay vì tập trung một cách một phong cách duy nhất, hãy thử linh hoạt, phối hợp chúng để đạt được hiệu quả cao nhất.
Ví dụ, bạn thích học thông qua việc đọc sách thì bạn không nên chỉ giới hạn mình ở phương tiện này. Nếu làm vậy, bạn có thể bỏ lỡ một số nội dung tuyệt vời qua các video hay các phần trình bày trực tiếp,... Khi tiếp thu một thông tin mới, hãy khai thác các phong cách học khác nhau để giúp tâm trí bạn luôn trong trạng thái sảng khoái và thúc đẩy khát khao học tập của bạn lên đến đỉnh điểm. Chúc bạn thành công!