27/12/2024
554 người xem
0/5 trong 0 lượt đánh giá
Mỗi ngày, chúng ta đều đưa ra vô số quyết định, nhưng thường thì chúng ta lại hành động rất nhanh chóng vì cho rằng tốc độ đồng nghĩa với hiệu quả. Những thực tế, hiệu quả đôi khi cần sự chậm lại, chú ý hơn và quan trọng là ta cần nhìn lại những quyết định mình từng đưa ra nhưng không được như mong đợi.
Những quyết định trong quá khứ chính là dữ liệu mà chúng ta có thể khai thác để nhận diện thiên kiến và giả định đang cản trở mình, phát triển các chiến lược trong tương lai và tự tin hơn trong quy trình của bản thân để đưa đến những kết quả tích cực.
1. Quyết định bạn đang phải đối mặt là gì?
Đầu tiên, trong quá trình ra quyết định là chúng ta cần làm rõ vấn đề hiện tại mà mình muốn giải quyết. Nghe có vẻ đơn giản nhưng hầu hết chúng ta đều bỏ qua bước này, dẫn đến việc đưa ra những giải pháp không đầy đủ hoặc chưa thỏa đáng. Đôi khi chúng ta định nghĩa vấn đề quá hẹp hoặc bỏ qua vấn đề chính và để nhảy đến một giải pháp mà mình mong muốn đạt được.
2. Yếu tố nào trong quyết định khiến bạn cảm thấy căng thẳng và cách tiếp cận là gì?
Việc xác định các yếu tố khiến bạn cảm thấy căng thẳng về quyết định mà bạn đang đối mặt sẽ giúp bạn đào sâu hơn về nguyên nhân khiến bạn lo lắng, bạn sẽ khám phá nó một cách đầy đủ hơn khi suy ngẫm và tự trả lời các câu hỏi. Điều này vô cùng hữu ích vì căng thẳng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình ra quyết định, hạn chế khả năng đưa ra quyết định mới mẻ và thích nghi với sự thay đổi, khiến não bộ của chúng ta quay trở lại với việc đưa ra quyết định theo thói quen.
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy căng thẳng còn làm tăng các thiên kiến nhận thức hiện có của chúng ta. Do đó, việc xác định những yếu tố gây căng thẳng cho phép bạn thoát ra khỏi lối mòn tư duy và những giả định không hữu ích.
3. Có quyết định nào trước đây mà bạn muốn học hỏi từ nó không?
Bạn sẽ không thể thay đổi được bất cứ hành vi nào nếu không dám đối mặt với chúng, kể cả hành vi ra quyết định. Điều này đòi hỏi bạn phải nhìn thẳng vào những sai lầm trong quá khứ để làm rõ mình đã sai ở đâu. Trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ có cơ hội rút ra được bài học từ quá khứ, từ đó cảm thấy tự tin hơn về một khía cạnh nào đó trong quyết định của mình, đồng thời sẽ giúp bạn thay đổi nếu bạn muốn làm điều gì đó khác đi.
4. Bạn có thể áp dụng những gì đã học vào quyết định hiện tại hay không? Giải pháp của bạn là gì?
Câu hỏi này cho phép bạn biến những gì đã học thành cái nhìn sâu sắc và hành động cho một tương lai tốt đẹp hơn. Bằng cách phân tích và lý giải các vấn đề trong quá khứ, giờ đây bạn sẽ ở một vị trí tốt hơn để nhìn nhận những hành động, thói quan và mô hình có thể chưa được rõ ràng trong hiện tại, từ đó đưa ra được những giải pháp chính xác hơn. Đồng thời, bạn sẽ thấy được sự phát triển của mình trong việc đưa ra quyết định.
Bạn đã kiểm tra, đánh giá suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chính mình và có những quan sát trong quá khứ, điều này mang lại sự rõ ràng và cái nhìn sâu sắc để tiến về phía trước theo một hướng mới.
Một sai lầm chỉ là một sai lầm nếu chúng ta không học hỏi được gì từ nó. Khi bạn dành thời gian để học hỏi từ những quyết định trong quá khứ, những nuối tiếc và thất vọng đó sẽ trở thành bàn đạp cho một tương lai tốt hơn.